Fan Wenqiang thuê ngôi nhà cũ nằm bên bờ sông tỉnh Giang Tây làm nơi ‘phục hồi tâm trí' cho mình và ba người bạn sinh năm 1990.
Họ bỏ ra 1.100 USD mỗi năm. Fan nói ngôi nhà ở trong tình trạng hư hỏng lúc anh mới nhận. Cả nhóm đã sơn lại tường, thay dây điện và xây nhà vệ sinh ngoài trời. Bốn người trẻ tạo ra “nhà nghỉ hưu” để tạm lánh khỏi nhịp sống vội vã của thành phố.
Fan là nhà thiết kế với lịch làm việc tương đối linh hoạt. Anh lái xe từ nhà ở TP Nam Xương đến đây ít nhất ba lần một tuần. Họ cùng trồng rau, pha trà, trò chuyện dưới bóng mát của cây và tận hưởng làn gió từ sông. Khi bắt đầu cảm thấy buồn ngủ, Fan mắc võng nghỉ ngơi dưới tán cây bưởi.
Lối sống chậm rãi của Fan được mô tả phù hợp với những người đã nghỉ hưu. Khi sự cạnh tranh gia tăng trên thị trường lao động, người trẻ bắt đầu khao khát cuộc sống đơn giản, yên bình và thư thái. Xu hướng này đã dẫn đến sự xuất hiện các “nhà nghỉ hưu” trên khắp Trung Quốc.
Guan Feng, 34 tuổi, nghỉ việc và tiếp quản homestay dưới chân núi Lu ở Giang Tây. Cuối năm ngoái, cô đã treo biển thông báo đây là “nhà nghỉ hưu” để giới trẻ tránh xa sự đông đúc và chăm sóc tâm trí, cơ thể của họ. Guan nói người trẻ thường muốn nghỉ dưỡng ở Đại Lý, Tân Cương hoặc Tây Tạng nhưng ước mơ đó đã không còn thực tế với nhiều người.
Cô từng đón khách hàng suy sụp tinh thần sau một dự án kinh doanh không thành công. Anh tuân thủ lịch trình đều đặn, leo núi, đọc sách và điều chỉnh tâm lý của mình. “Sau nửa tháng ‘nghỉ hưu', anh ấy dần tìm lại chính mình”, cô nói.
Dù hình thức nhằm giúp giới trẻ thư giãn nhưng một số người vẫn cho rằng nó phù hợp với người có điều kiện kinh tế.
Huang Linkai, 33 tuổi, đã bị sa thải ở công ty công nghệ Thâm Quyến năm ngoái. Anh hiện là tài xế taxi. Huang không thể tìm được công việc phù hợp trong sáu tháng qua do thị trường lao động khắc nghiệt.
“Tôi rất muốn ‘nghỉ hưu' nhưng không thể, bởi nếu ngừng làm việc, ai sẽ trả phí sinh hoạt cho gia đình tôi”, anh nói.
Wei Zhizhong, chuyên gia phòng tư vấn tâm lý Yiweiduxin, trụ sở Quảng Châu, nói “nhà nghỉ hưu” chỉ là dự án thương mại nhằm làm dịu lo âu của giới trẻ và đáp ứng nhu cầu tâm lý của họ. Dưới tác động của mạng xã hội, chúng đã trở thành sản phẩm tâm lý tiêu dùng.
Ông cho rằng lo âu của giới trẻ hiện nay tập trung ở công việc, phát triển bản thân. “Nhà nghỉ hưu” chỉ là liều thuốc giảm đau tạm thời và không giải quyết được gốc rễ của vấn đề.
Wei nói chìa khóa vượt qua lo âu là hành động tích cực và nỗ lực kiên trì. “Giống như tập thể dục đều đặn thì thể lực mới tăng cường, cũng như giới trẻ mới thực sự cải thiện giá trị bản thân”, ông nói.
Ngọc Ngân (Theo Think China)