Xơ gan là một bệnh gan mạn tính, trong đó tế bào gan bị thoái hóa hoại tử và được thay thế bởi những tế bào tân sinh.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi bác sĩ Nguyễn Phối Hiền, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM – Cơ sở 3.
Tổng quan
– Bệnh cảnh lâm sàng của xơ gan rất thay đổi, tùy theo giai đoạn bệnh: xơ gan còn bù và xơ gan mất bù.
– Biểu hiện chủ yếu qua hai hội chứng là suy tế bào gan và hội chứng tăng áp lực tĩnh mạch cửa.
Nguyên nhân
– Xơ gan do viêm gan siêu vi (HBV, HCV, HDV).
– Xơ gan do ứ mật kéo dài:
- Ứ mật thứ phát: sỏi mật, giun chui ống mật, viêm chít đường mật…
- Ứ mật nguyên phát: hội chứng Hanot.
- Viêm đường mật xơ hóa nguyên phát.
– Xơ gan do rượu.
– Xơ gan do ứ đọng máu kéo dài:
- Suy tim: người bệnh van tim, hội chứng Pick.
- Viêm tắc tĩnh mạch trên gan (hội chứng Budd Chiari), tắc tĩnh mạch gan.
- Bệnh hồng cầu hình liềm chỉ gặp ở châu Phi.
– Xơ gan do ký sinh vật: sán máng, sán lá gan.
– Xơ gan do nhiễm độc thuốc và hóa chất:
- Hóa chất: DDT, methotrexat, 6-mercaptopurine, tetracloruro carbon.
- Thuốc: INH, methyldopa, sulfamid, aspirin, chlorpromazine…
– Xơ gan do rối loạn chuyển hóa: rối loạn chuyển hóa sắt, đồng, porphyrin…
– Xơ gan do rối loạn di truyền:
- Bệnh thiếu hụt alpha- I antitrypsin.
- Bệnh thiếu hụt bẩm sinh enzym 1 phosphate- aldolase.
- Bệnh tích glycogen trong các bệnh tích do thiếu máu.
– Xơ gan lách to kiểu Banti.
– Xơ gan do suy dinh dưỡng.
Biểu hiện, biến chứng
Bất kể nguyên nhân gây xơ gan nào đều có thể gây ra các biểu hiện, biến chứng như:
– Tăng áp lực tĩnh mạch cửa.
– Hội chứng gan thận.
– HCC (Hepatocellular carcinoma).
– Rối loạn đông máu.
– Rối loạn huyết học (thiếu máu, tán huyết, giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu)…
Chẩn đoán
– Xơ gan có thể diễn tiến âm thầm không triệu chứng lâm sàng rõ ràng. Chẩn đoán dựa vào xét nghiệm, hình ảnh học và sinh thiết gan hoặc fibroscan.
– Ở giai đoạn muộn – xơ gan mất bù biểu hiện 2 hội chứng suy tế bào gan và tăng áp lực tĩnh mạch cửa.
- Hội chứng suy tế bào gan:
- Triệu chứng toàn thân: mệt mỏi, chán ăn, sụt cân, teo cơ, sốt nhẹ, thiếu máu…
- Các biểu hiện gợi ý bệnh gan: báng bụng, phù chân, vàng da (bilirubin trực tiếp), xuất huyết dưới da (bầm máu, chảy máu cam).
- Rối loạn nội tiết: ảnh hưởng của estrogen gây sao mạch, lòng bàn tay son, vú to ở nam giới, rụng lông, tóc.
- Nam mất libido, teo tinh hoàn, bất lực; nữ vô sinh, mất kinh, rậm lông, đái tháo đường/hạ đường huyết.
- Rối loạn thần kinh: bệnh não do gan (rung vẫy, hơi thở mùi gan, hôn mê).
- Rối loạn về thận: hội chứng Gan – Thận.
- Rối loạn tim mạch: hạ huyết áp.
- Rối loạn hô hấp: hội chứng Gan – Phổi, tràn dịch màng phổi.
- Rối loạn tiêu hóa: loét dạ dày tá tràng; sỏi mật.
- Các biểu hiện khác: móng trắng, ngón tay dùi trống, co rút kiểu Dupuytren's, phì đại tuyến mang tai, co rút cơ.
- Hội chứng tăng áp lực tĩnh mạch cửa: tuần hoàn bàng hệ, báng bụng, thoát vị rốn, lách to, giãn tĩnh mạch thực quản, giãn tĩnh mạch trực tràng.
– Cận lâm sàng:
- Men gan: ALT, AST.
- Phosphatase kiềm: ALP.
- Bilirubin máu.
- Albumin máu.
- Thời gian Prothrombin.
- Số lượng tiểu cầu.
- Số lượng bạch cầu.
- Chẩn đoán hình ảnh: siêu âm tổng quát, siêu âm đàn hồi gan (fibroscan), sinh thiết, cộng hưởng từ gan MRI.
- Chọc dò dịch báng.
Điều trị
– Y học hiện đại:
- Nguyên tắc điều trị:
- Điều trị xơ gan chủ yếu tập trung vào phòng ngừa, ngăn chặn hoặc trì hoãn các biến chứng.
- Bên cạnh đó kiểm soát các nguyên nhân của xơ gan như ngưng rượu, thuốc, các rối loạn chuyển hóa: rối loạn lipid máu, tình trạng kháng insulin, đái tháo đường, béo phì.
- Điều trị cụ thể:
- Điều trị hỗ trợ: thay đổi lối sống, dinh dưỡng.
- Phòng ngừa và điều trị các biến chứng: bệnh não gan, xuất huyết tiêu hóa do vỡ giãn tĩnh mạch thực quản, báng bụng, hội chứng gan thận, viêm phúc mạc nhiễm khuẩn nguyên phát, ghép gan.
– Y học cổ truyền:
- Điều trị dùng thuốc:
Dùng các bài thuốc có tác dụng Sơ can kiện tỳ, Ôn bổ tỳ thận dương, Tư âm thanh nhiệt lợi thấp, Hành khí hóa ứ, Thanh nhiệt lợi thấp như Tiêu dao tán gia giảm, Phụ tử lý trung thang gia giảm, Nhất quán tiển gia giảm, Cách hạ trục ứ thang, Nhân trần ngũ linh tán.
- Điều trị không dùng thuốc:
- Hào châm trong hội chứng bệnh Tỳ thận dương hư.
- Nhĩ châm: tương ứng vùng bị bệnh: miệng, bụng. Theo chức năng của huyệt: tam tiêu.
- Đầu châm: vùng châm chính vùng vận mạch, vùng gan mật.
- Laser châm: công thức huyệt của hào châm và nhĩ châm.
Phòng ngừa
– Hạn chế uống rượu, bia, thuốc lá.
– Tiêm phòng vaccine viêm gan B.
– Chú ý thực phẩm mà bạn sử dụng.
– Không dùng thuốc ảnh hưởng gan.
– Cần được kiểm tra sức khỏe định kỳ.
– Sử dụng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Mỹ Ý