TP HCMKhi chuyến bay từ Copenhagen chuẩn bị đáp xuống Tân Sơn Nhất, Mai nhìn sang nhìn chồng và ba con, vẻ mặt thảng thốt không tin là họ đã trở về.
Quê mẹ chào đón họ bằng cơn mưa như trút nước của mùa hè 2023. Vài phút sau, trời tạnh và nắng chang chang. Đây là sự khác biệt đầu tiên của họ trên hành trình trở về bởi kiểu thời tiết này hoàn toàn không có Đan Mạch, nơi cả 5 thành viên gia đình được sinh ra.
“Một cảm giác lạ lẫm mà kích thích xuất hiện trong tất cả chúng tôi”, Mai Nguyễn, 28 tuổi, nói. “Cơn mưa đánh thức ký ức về thuở nhỏ được mẹ dẫn về nhà ngoại ở Thủ Thiêm, cùng các anh chị em chạy ra sân tắm. Đến lúc này tôi vẫn không chắc ‘hành trình điên rồ' này là vì các con hay vì bản thân mình”.
Mai Nguyễn và chồng Michael, 30 tuổi, đều có bố mẹ người Việt. Họ gặp nhau năm 2013, lần lượt sinh ba con Mi năm 2019, An năm 2020 và con trai út tên Bảo năm 2022.
Vợ chồng đang có cuộc sống yên ổn ở quốc gia Bắc Âu, nơi người dân được miễn phí y tế và giáo dục tới bậc thạc sĩ. Mỗi tháng, các con của Mai nhận được 1.000 krone (khoảng 3,7 triệu đồng) tới năm 18 tuổi. Bản thân cô sắp tốt nghiệp thạc sĩ ngành quản trị nhân sự, còn Michael có bằng cấp kinh doanh và thiết kế.
Song các con càng lớn, dấu hỏi về nguồn cội của chúng ngày càng nhiều. Từ những nhận thức đầu tiên về thế giới, bé Mi đã thắc mắc: “Tại sao tóc con lại đen? Con muốn tóc vàng như các bạn”. Mai và chồng cố gắng giải thích, song những kiến thức về màu da, sắc tộc vẫn quá xa vời với bé.
Người mẹ trăn trở hơn là sự thiếu kết nối của các con với ông bà nội ngoại do bất đồng ngôn ngữ. Cô thường xuyên nghe các con nói: “Bà nói gì mà con không hiểu. Mẹ kêu bà nói tiếng Đan Mạch đi”.
Cặp vợ chồng đã thử dạy con nói tiếng Việt ở nhà. Ý tưởng nhanh chóng thất bại vì nhà lập tức “biến thành cái chợ vỡ” và những giọt nước mắt ấm ức của các bé, rằng tại sao cha mẹ đang nói tiếng Đan Mạch lại chuyển sang một ngôn ngữ khác. Chính họ cũng dần hiểu mình không đủ thông thạo ngôn ngữ, văn hóa và kiên nhẫn để dạy con.
Họ lên kế hoạch khi Mai tốt nghiệp thạc sĩ tháng 6/2023 sẽ du lịch Việt Nam trong hai tháng để các con được tiếp xúc với tiếng Việt. Tuy nhiên càng đến ngày về, họ càng thấy cách này chỉ như “cưỡi ngựa xem hoa”, khó cải thiện được vấn đề.
Ngồi lại với nhau bàn bạc, vạch rõ những được mất của kế hoạch về hẳn Việt Nam. Vợ chồng Mai biết sẽ mất mọi trợ cấp của chính phủ, vốn rất cần thiết cho gia đình có ba con nhỏ. Nhưng không đi lúc này sẽ không bao giờ có thể đi nữa.
“Tuổi thơ của các con sẽ qua rất nhanh và lúc đó muốn dạy gì sẽ càng khó. Đây là thời điểm tốt nhất để lũ trẻ hiểu về cội nguồn”, Michael nói. Quyết định xong, họ rao bán nhà, xe và thanh lý mọi đồ đạc.
Ngày 25/6/2023, nhà 5 người lên chuyến bay, bước vào một hành trình bị rất nhiều người cho là dại dột.
Hai tháng đầu, họ dẫn các con đi du lịch để dành thời gian bên nhau, tránh cho các bé bị sốc tâm lý. Cả nhà đã đi Nha Trang, Hội An, thăm những làng mạc. Qua đó lũ trẻ được tiếp xúc con người, trải nghiệm đồ ăn, cũng như thích nghi điều kiện thời tiết, khí hậu.
Mặc dù ngày bé Mai và Michael từng có vài lần trở về, cùng vốn tiếng Việt đủ giao tiếp, song để sống vẫn thực sự khó khăn. Khi tìm hiểu về trường lớp cho các con đi học, vợ chồng cô đã sốc với học phí trường quốc tế. Họ cũng không đủ điều kiện vào trường công. Qua Tết 2024, gia đình mới tìm được một trường tư phù hợp, dạy cả tiếng Việt và tiếng Anh.
Mấy ngày đầu đi lớp các bé khóc lóc vì không ai ở đó nói cùng ngôn ngữ. Bố mẹ trẻ sốt ruột, 9h mới cho con đi lớp và ngay đầu giờ chiều đã đón về. May mắn sang tháng thứ hai các con đã hòa nhập, đến giờ nhiều lúc còn không muốn về vì chơi với bạn đang thích.
Khó khăn nhất là vấn đề tìm việc. Để kiếm một cơ hội được trở thành nhân viên chính thức cho một công ty Đan Mạch ở Việt Nam, Mai từng chấp nhận làm thực tập với mức lương hai triệu đồng, chỉ đủ trả tiền xe ôm đi lại từ căn hộ của họ ở quận 2 tới văn phòng ở quận 1. Lần khác, cô trúng tuyển quản lý cho một công ty du lịch với mức lương 60 triệu đồng. Tuy nhiên vướng mắc trong giấy tờ, nên mức lương bị đàm phán lại còn 8 triệu đồng, không bảo hiểm, visa, nên chỉ làm một tháng rồi nghỉ. “Hiện tôi vẫn cố tìm một công việc có giờ giấc phù hợp với người có ba con nhỏ”, bà mẹ Việt kiều nói.
Bất chấp những điều đó, 14 tháng qua ở Việt Nam vẫn là cuộc phiêu lưu thú vị với gia đình. Trước đây ở Đan Mạch, họ sống trong một căn hộ, sân sau chỉ là bãi cỏ. Không khu chung cư nào có tới bốn hồ bơi như nơi họ đang thuê với giá 16 triệu đồng như ở đây.
“Cuộc sống ở thành phố có 180.000 dân khiến mọi thứ muốn mua đều phải đặt hàng, nhưng ở thành phố 9 triệu dân này có quá nhiều lựa chọn”, Mai nói. Khi thèm một tô phở nóng, cô chỉ cần chạy ra trước nhà, thậm chí một tin nhắn trên điện thoại đã có người giao đồ tận cửa.
Họ thích nhịp sống sôi động của TP HCM, chi phí sinh hoạt rất rẻ. Họ cũng đặc biệt thích việc đi lại ở Việt Nam trên một chiếc xe máy, thay vì đi đâu cũng phải ôtô như trước đây.
Đặc biệt ẩm thực đã mở rộng hoàn toàn vị giác của bọn trẻ. Bố mẹ Việt kiều có một quy tắc: Con phải nếm thử mọi thứ trước khi tuyên bố thích hay không thích. Giờ đây, các bé đã quen với đủ loại thực phẩm, món ngon, trái cây bốn mùa. Con gái lớn thích cà chua sống và thích mọi thứ ăn kèm bún. Con thứ hai mê mẩn sầu riêng. Còn con trai út, thích ăn mọi thứ, miễn là đồ ăn Việt.
Điều khiến vợ chồng Mai hạnh phúc nhất là vốn tiếng Việt của các bé khá lên từng ngày. Hai bé 5 và 4 tuổi đã có thể đọc từ 1 đến 100 bằng Việt và nói chuyện được với ông bà. Trong cuộc gọi gần đây, cô chị cả hào hứng đánh vần các từ “bé, cá, bóng”, trong tiếng vỗ tay của ông bà nội.
“Hơn một năm tiếp xúc tiếng Việt, các con đã rất tiến bộ, giúp vợ chồng tôi biết rằng quyết định về nước đã thành công”, anh Michael nói.
Micheal cho biết hành trình này không chỉ giúp các con hiểu về cội nguồn, va chạm văn hóa, còn phát triển các kỹ năng, cùng nhau tạo nên một thời thơ ấu khó quên và củng cố mối quan hệ gia đình.
Tối 24/8, nhà 5 người quây quần bên chiếc bánh sinh nhật, hát mừng con gái thứ hai tròn bốn tuổi. Thấm thoát đã hai sinh nhật cô bé An được tổ chức ở Việt Nam. Khi nhận ra điều này, Mai và chồng nhìn nhau cười, không cần nói tự hiểu.
“Chúng tôi từng có một thỏa thuận trước chuyến đi rằng nếu một trong hai nhớ nhà hoặc muốn về Đan Mạch, không cần giải thích lý do, chúng tôi sẽ về”, Mai nói. “Không ngờ đã 14 tháng qua chúng tôi chưa một lần nghĩ về điều ấy”.
Phan Dương