Giáo sư Nguyễn Thiện Nhân cho rằng gia đình ở Nhật Bản và Hàn Quốc không có điều kiện sinh hai con dù đất nước phát triển là nghịch lý và bài học nhãn tiền với Việt Nam.
Sáng 4/9, giáo sư Nguyễn Thiện Nhân nói như trên khi góp ý dự thảo báo cáo chính trị cho Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam 2025, tại Hội nghị Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ lần thứ 20.
Mục tiêu đến năm 2045 nước ta trở thành nước phát triển, có thu nhập cao. Tuy nhiên, giáo sư Nhân cho rằng những nước giàu hiện đối mặt với tình trạng càng phát triển, thu nhập bình quân cao nhưng không tái tạo được con người. Trong khi đó, Việt Nam đứng trước nguy cơ phát triển con người không bền vững, không tái tạo đủ. Năm 2023, mức sinh của Việt Nam là 1,96, còn mức sinh thay thế lý tưởng là 2,1 con trên mỗi phụ nữ.
“Theo kinh nghiệm thế giới, tỷ lệ sinh dưới hai sẽ tiếp tục giảm và khó có thể tăng lên”, giáo sư Nhân nói.
Lấy ví dụ Nhật Bản, ông Nhân nói nước này có quãng thời gian tăng trưởng thần kỳ, nhảy vọt về kinh tế. Từ một nước GDP chỉ bằng 1/5 so với Mỹ, đã vươn lên gấp rưỡi Mỹ vào năm 1996. Tuy nhiên từ năm 1996 đến nay là 28 năm, quốc gia tăng trưởng chậm lại, thậm chí đường tăng trưởng “nằm ngang”.
Nguyên nhân là Nhật Bản đã dồn hết sức để tăng vào kinh tế mà “bỏ quên cuộc sống của người dân”. Các gia đình không đủ điều kiện để sinh và nuôi được hai con. Theo ông Nhân, đây là thực trạng “nước giàu nhưng dân không giàu”. Chính phủ nước này từng cảnh báo dân số đến năm 3000 chỉ còn 500 người và khủng hoảng lớn nhất hiện nay của Nhật Bản là khủng hoảng dân số.
Tương tự, Hàn Quốc cũng trải qua một quãng thời gian tăng trưởng thần tốc, đưa kinh tế nước này sánh ngang với Nhật Bản và là một trong những nước có nền kinh tế lớn nhất châu Á. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng quá lớn cũng để lại hậu quả. Từ năm 2018, mức sinh Hàn Quốc ở mức báo động là 0,72 con trên một phụ nữ. Bộ trưởng Tư pháp thừa nhận tương lai đất nước đang phụ thuộc lớn vào người nhập cư.
“Giàu như Nhật Bản, Hàn Quốc nhưng không tự tái tạo được dân số, dựa vào người nhập cư. Như vậy, giàu không phải là tiền đề để đất nước trường tồn”, giáo sư Nhân nói, nhấn mạnh từ nay đến 2045, Việt Nam cần đặt mục tiêu giải quyết sớm vấn đề mức sinh sụt giảm.
Bên cạnh đó, ông cũng chỉ ra Hàn Quốc và Nhật Bản có GDP thuộc top đầu thế giới, nhưng chỉ số hạnh phúc của hai nước này lại thấp nhất trong số quốc gia phát triển. Đây cũng là nguyên nhân khiến người dân ngại sinh con, sinh ít con khi chi phí sinh hoạt quá cao, điều kiện làm việc khắc nghiệt. Giáo sư Nhân đề nghị báo cáo chính trị cần làm rõ giải pháp nâng chỉ số hạnh phúc của người dân Việt Nam, xây dựng bảng đánh giá chỉ số hạnh phúc cấp tỉnh.
Cùng lo ngại, bà Hà Thị Liên, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, nói nhiều gia đình tại đô thị không muốn đẻ con thứ hai. Nếu tư tưởng này còn tồn tại thì sẽ dẫn đến tình trạng già hóa dân số. Nước ta sẽ “già trước khi giàu” và “chưa giàu đã già hóa”. Đây là một vấn đề đáng báo động, cần sự quan tâm, chung tay khắc phục của MTTQ Việt Nam. Bà đề nghị báo cáo chính trị cần đánh giá đầy đủ hơn về thực trạng này, lấy ý kiến rộng rãi, từ đó sửa đổi, bổ sung các chính sách cho phù hợp với xu thế.
Cục Dân số (Bộ Y tế) ghi nhận mức sinh trên toàn quốc đang có xu hướng giảm dưới mức sinh thay thế, tổng tỷ suất sinh năm 2023 là 1,96 con/phụ nữ, dự báo tiếp tục giảm. Xu hướng mức sinh thấp và rất thấp tập trung ở một số đô thị, nơi có điều kiện kinh tế – xã hội phát triển. Hiện 21/63 tỉnh, thành có mức sinh thấp, hầu hết nằm ở vùng kinh tế trọng điểm khu vực phía Nam, đô thị hóa cao, tăng trưởng kinh tế nhanh.
Theo các chuyên gia, mức sinh thay thế thấp để lại hệ quả rất rõ, ví dụ Nhật Bản là quốc gia già hóa dân số một thế giới. Khi dân số già hóa, chi phí xã hội, y tế và an sinh tăng lên rất nhiều, thiếu hụt lao động, nguồn lực kinh tế xã hội sụt giảm. Nếu Việt Nam vẫn duy trì mức sinh thay thế thấp như hiện nay, dự báo trong 35 năm tới, dân số Việt Nam sẽ tăng trưởng âm. Đến năm 2069, cứ hai trẻ em thì có ba người già từ 60 tuổi trở lên.
Trước đó, giáo sư Nguyễn Thiện Nhân đề xuất chuyển quy định lương tối thiểu sang quy định lương đủ sống tối thiểu cho gia đình 4 người. Thời gian làm việc của người lao động phải đủ ngắn (8 giờ lao động/ngày, 40 giờ/tuần) để họ có thời gian tìm bạn đời, chăm sóc con cái, gia đình và sở thích riêng.
Tham khảo từ https://vnexpress.net/nuoc-giau-nguoi-dan-van-khong-dam-sinh-hai-con-4788923.html