Hà NộiLần đầu biết căn nhà số 48 Hàng Ngang là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bản Tuyên ngôn độc lập, Quốc Bảo liền rủ bạn bè đến, sáng 24/8.
Sống ở Hà Nội gần chục năm, tuần vài lần đi qua phố Hàng Ngang, quận Hoàn Kiếm nhưng chàng trai 29 tuổi ở quận Thanh Xuân không biết bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2/9/1945.
“Tôi chỉ biết khi thấy mạng xã hội liên tục nhắc về địa điểm này khoảng một tuần nay. Địa điểm này quá đặc biệt và ý nghĩa trước thềm Quốc khánh nên phải đến ngay”, Bảo kể.
Trái ngược với suy nghĩ di tích lịch sử thường vắng khách, Bảo bất ngờ khi thấy gần 100 người đang xếp hàng vào tham quan, đa phần là người trẻ. Mọi người không đến check-in mà đều chăm chú đọc, tìm hiểu các tư liệu lịch sử.
Căn nhà 48 Hàng Ngang là của gia đình ông Trịnh Văn Bô, một nhà tư sản dân tộc được giác ngộ cách mạng sớm và trở thành đảng viên cộng sản. Ông là thành viên tích cực tham gia phong trào Việt Minh và là cơ sở bí mật của nhà hoạt động cách mạng Nguyễn Lương Bằng, nguyên Phó chủ tịch nước (1969 – 1979). Chủ tịch Hồ Chí Minh về ở và làm việc tại cơ sở này từ ngày 25/8 đến đầu tháng 9/1945. Sau này, căn nhà được gia đình ông Trịnh Văn Bô hiến tặng cho Nhà nước và trở thành một di tích lịch sử.
14h chiều 24/8, Ngô Quốc Trung ở quận Thanh Xuân cùng bốn người bạn tìm đến căn nhà số 48 Hàng Ngang. Không chỉ đến tham quan, tìm hiểu lịch sử, chàng trai 26 tuổi muốn thu thập thông tin, quay video, hình ảnh để giới thiệu di tích đến với nhiều người, đặc biệt là giới trẻ.
“Đây là một địa điểm rất quan trọng đối với đất nước Việt Nam nói chung và ngày Quốc khánh 2/9 nói riêng. Đã là lần thứ hai quay trở lại di tích nhưng cảm xúc, lòng tự hào dân tộc vẫn y nguyên”, Trung nói.
Anh cũng cho biết trước khi đến đây đã cùng nhóm bạn đã đi viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và một số di tích khác với mong muốn hướng về cội nguồn trước lễ kỷ niệm đặc biệt.
Tranh thủ ngày cuối tuần, Nguyễn Võ Bảo Thụy ở TP HCM tìm đến di tích lịch sử 48 Hàng Ngang sau khi ghé Nhà tù Hỏa Lò. Cô gái 30 tuổi ra Hà Nội học được vài tuần, biết sắp đến ngày Quốc khánh nên muốn đến địa điểm gắn liền với dấu mốc này.
“Không một nơi nào phù hợp hơn căn nhà số 48 Hàng Ngang dù địa điểm này lại ít được nhắc đến”, Thụy nói. Cô cũng hy vọng trong thời gian tới có nhiều người biết đến, để có thể tìm về quá khứ hào hùng của đất nước.
Một nhân viên quản lý tại di tích 48 Hàng Ngang cho biết người dân có thể đến tham quan từ thứ 3 đến thứ 7 hàng tuần. Địa điểm này trước đây ít khách biết đến nhưng mấy ngày gần đây được nhiều người quan tâm, đặc biệt là giới trẻ.
“Càng gần đến Quốc khánh 2/9, lượng khách đến tham quan càng đông, trung bình mỗi ngày có vài trăm người. Như riêng trong sáng 24/8 có hơn 200 người ghé thăm”, người đại diện nói.
Nhà nghiên cứu văn hóa, tiến sĩ Nguyễn Ánh Hồng, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, nhận định nhu cầu giải trí của người Việt, đặc biệt là giới trẻ đang dần nghiêng sang tìm hiểu lịch sử.
“Thay vì sống theo sở thích cá nhân, các bạn trẻ bắt đầu có trách nhiệm với cuộc sống, cộng đồng. Họ bắt đầu tìm đến các địa điểm lịch sử, khu di tích không phải để check-in ‘sống ảo', mà thực tâm tìm về cội nguồn, mong được hiểu biết, nhất là khi được tiếp cận kiến thức lịch sử một cách mềm mại, dễ hiểu”, bà Hồng nói.
Lý giải về sức hút của nhiều địa điểm lịch sử, chuyên gia văn hóa chỉ ra ba lý do chính. Một là bản thân các di tích với những chứng tích lịch sử đã có sức hút riêng, mang giá trị giáo dục, chuyển hóa tâm thức; hai là tác động trực tiếp của hoạt động truyền thông trên mọi nền tảng mạng xã hội đến người xem; và ba là hoạt động giáo dục và giáo dục chính trị bắt đầu tìm ra các phương pháp mới để khơi gợi lòng yêu nước, mong muốn tìm về cội nguồn của người trẻ.
Thanh Nga – Quỳnh Nguyễn