Không uống rượu pha bia hoặc nước ngọt, không để bụng đói trước khi uống và nên tiêu thụ vừa sức mình là mẹo tránh say khi phải uống nhiều dịp nghỉ lễ.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi PGS.TS Nguyễn Quang Dũng, Phó trưởng Bộ môn Dinh dưỡng và An toàn thực phẩm, Đại học Y Hà Nội.
Trong dịp lễ, mọi người thường uống nhiều rượu bia nên dễ mệt mỏi, đau nhức cơ, buồn nôn, khát nước, chóng mặt, nhạy cảm. Các triệu chứng này có thể xảy ra trong hoặc sau khi uống rượu, thậm chí kéo dài đến ngày hôm sau.
Không uống quá liều lượng
Mỗi ngày nam giới không nên uống quá 720 ml bia hoặc 300 ml rượu vang hoặc 60 ml rượu whisky. Đối với nữ giới, mỗi ngày không nên uống quá 360 ml bia hoặc 150 ml rượu vang hay 30 ml rượu whisky. Không để cho trẻ em và vị thành niên uống rượu bia. Cố gắng kiểm soát lượng uống ở mức nguy cơ thấp nhất trong một lần.
Hạn chế uống rượu khi đói vì dạ dày rỗng khiến nồng độ cồn trong máu tăng nhanh gây choáng. Tránh sử dụng các loại đồ uống chứa cồn không rõ nguồn gốc xuất xứ, giá rẻ bất thường.
Không uống rượu bia pha
Khi uống rượu pha, cơ thể dễ bị say mệt mỏi, uể oải khi thức dậy. Lạm dụng rượu pha còn làm suy yếu sức khỏe, gây mệt mỏi, trầm cảm, thậm chí là nghiện rượu. Pha rượu, bia với nước ngọt có ga hay soda chứa nhiều CO2, khiến quá trình hấp thu cồn nhanh hơn khiến bạn đau đầu, chóng mặt.
Tự ý trộn lẫn rượu không rõ nguồn gốc, pha theo cảm tính, không có công thức, tỷ lệ… còn làm tăng nguy cơ ngộ độc, như buồn nôn, nôn, đau đầu, chóng mặt, đau bụng, nặng hơn nữa là rối loạn tri giác, mất ý thức, hôn mê, tử vong.
Bạn nên uống nước lọc để giảm nồng độ cồn hoặc ăn trái cây như xoài, nho, cam, lê…
Uống bia nhiều vì nhẹ độ hơn
Thực tế, cùng thể tích 100 ml, thì 100 ml rượu mạnh sẽ có hại hơn so với 100 ml bia. Song, cả hai đều là đồ uống có cồn, đều có hại với sức khỏe. Ngoài ra, tác hại của rượu bia không chỉ phụ thuộc vào loại đồ uống mà phụ thuộc vào lượng cồn uống, cách thức uống, tần suất uống và cơ địa mỗi người. Lạm dụng rượu hay bia đều không tốt.
Cách giảm bớt say là không được để bụng đói, uống từ từ, chậm rãi. Nên ăn no trước khi uống rượu bia, tránh uống rượu bia lẫn với nước ngọt có gas.
Khi dùng rượu bia, bạn nên uống nhiều nước lọc xen kẽ để nồng độ cồn trong cơ thể giảm đi đáng kể.
Sau khi uống rượu, mọi người có thể uống nước gừng để giải rượu. Gừng có vị nóng làm cho các mạch máu lưu thông tốt hơn, từ đó hóa giải nhanh chất cồn trong cơ thể. Có thể cho thêm vào nước gừng nóng một thìa nhỏ mật ong để có thể hấp thụ nhanh và giúp giải say rượu.
Một số thức uống khác như nước chanh, nước cam, nước dừa, mía, sắn dây, dưa hấu cũng giải rượu hiệu quả.
Bạn nên ăn một vài lát bánh mì, bánh quy giòn từ ngũ cốc nguyên hạt để giảm tác hại. Ăn cháo trắng giúp cơ thể tỉnh táo.
Sau khi uống, tuyệt đối không điều khiển xe hay tham gia vào các hoạt động ngoài trời hoặc ở những nơi nguy hiểm, không an toàn, dễ bị ngã, va chạm, chấn thương. Nếu cảm thấy bất thường, mệt mỏi nhiều thì cần đến cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra ngay không nên tự điều trị ở nhà.
Thùy An
Tham khảo từ https://vnexpress.net/meo-chong-say-ruou-bia-khi-uong-nhieu-dip-le-4788520.html