TP HCMNgười phụ nữ 32 tuổi, mang thai 36 tuần, đột ngột khó thở, phù chân, bác sĩ phát hiện mắc cơ tim chu sinh, sinh mổ gấp lúc 36 tuần để hai mẹ con vượt qua hiểm nghèo.
Ngày 24/8, BS.CK2 Phạm Minh Khôi Nguyên, Bệnh viện CIH, cho biết sản phụ mang thai con đầu lòng nhờ thụ tinh ống nghiệm, đái tháo đường thai kỳ, tăng huyết áp, đang dùng thuốc kiểm soát. Lúc này bị cơ tim chu sinh, thất trái giãn lớn, chức năng co bóp kém, thai phụ có nguy cơ diễn biến nặng nếu tiếp tục thai kỳ.
Bác sĩ sản khoa phối hợp kíp tim mạch, quyết định sinh mổ cấp cứu, bé gái chào đời khỏe mạnh nặng hơn 2,7 kg. Sản phụ được điều trị tích cực và dần ổn định sức khỏe, xuất viện cùng con sau 5 ngày vượt cạn.
Theo BS.CK2 Lục Chánh Trí, Trưởng Khoa Gây mê hồi sức, nguy cơ cao nhất của bệnh cơ tim chu sinh là ngưng tim trong lúc mổ. Bệnh nhân phải chịu đựng áp lực lớn của phẫu thuật, đồng thời cơ tim chịu sự thay đổi lớn trong thời gian mổ do chảy máu, vấn đề hồi lưu máu từ tử cung co hồi sau sinh. Vì vậy, bác sĩ phải quản lý dịch chu phẫu liên tục và tỉ mỉ, giúp bảo tồn chức năng cơ tim, bảo đảm sức khỏe cả mẹ lẫn con.
Cơ tim chu sinh là bệnh cơ tim giãn nở, có biểu hiện của tình trạng suy chức năng thất trái. Bệnh thường xảy ra ở tháng cuối thai kỳ hoặc trong 5 tháng đầu sau khi sinh mà không xác định nguyên nhân khác gây suy tim. Triệu chứng của bệnh bao gồm khó thở, mệt, phù ở mắc cá chân, dễ trùng lắp với biểu hiện của thai phụ bình thường ở những tháng cuối. Do đó, để chẩn đoán bệnh, bác sĩ phải thăm khám, theo dõi kỹ.
Theo bác sĩ Nguyên, bệnh cơ tim chu sinh khá hiếm gặp, tiên lượng rất nặng, tỷ lệ tử vong khá cao. Khi phát hiện thai phụ có bệnh cơ tim chu sinh, bác sĩ thường cân nhắc chấm dứt thai kỳ để ổn định tình trạng bệnh lý nội khoa của mẹ. Phần lớn trường hợp bệnh cơ tim chu sinh có thể hồi phục hoàn toàn hoặc một phần.
Bác sĩ khuyến cáo thai phụ nên tuân thủ lịch khám thai định kỳ, nếu có dấu hiệu bất thường cần thăm khám, khảo sát kịp thời để có những can thiệp tích cực. Người có tiền căn bệnh cơ tim chu sinh trong thai kỳ trước, khi dự định mang thai phải khám để đánh giá lại tình trạng tim mạch tiền sản. Những trường hợp chức năng thất trái không phục hồi hoàn toàn có thể diễn tiến rất nặng trong thai kỳ tiếp theo. Với những trường hợp này, bác sĩ khuyên không nên mang thai. Thai phụ có tiền sử bệnh cơ tim chu sinh cần theo dõi sát tình trạng tim mạch trong thai kỳ.
Lê Phương
Tham khảo từ https://vnexpress.net/me-mac-co-tim-chu-sinh-be-gai-chao-doi-som-4785200.html
Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm: Thông tin được cung cấp chỉ mang tính chất thông tin chung, không đưa ra bất kỳ tuyên bố hoặc bảo đảm nào liên quan đến thông tin, bao gồm nhưng không giới hạn bất kỳ sự tuyên bố hoặc bảo đảm về tính thích hợp cho bất kỳ mục đích cụ thể nào của thông tin theo phạm vi cho phép tối đa của pháp luật. Mặc dù đã nỗ lực để đảm bảo rằng thông tin được cung cấp trong bài viết này là chính xác, đáng tin cậy và hoàn chỉnh vào thời điểm đăng tải, nhưng thông tin được cung cấp trong bài viết này không nên được dựa vào để đưa ra bất kỳ quyết định tài chính, đầu tư, bất động sản, giao dịch hoặc pháp lý nào. Thêm vào đó, thông tin không thể thay thế lời khuyên từ một chuyên gia được đào tạo, người mà có thể xem xét, đánh giá các sự kiện và hoàn cảnh cá nhân của bạn, và chúng tôi không chịu bất kỳ trách nhiệm nào nếu bạn sử dụng những thông tin này để đưa ra quyết định. Xin cảm ơn!