TP HCM ghi nhận hơn 100 ca phát ban nghi sởi trong tuần qua, tăng gấp đôi so với trung bình 4 tuần trước, ngành y tế cấp tốc rà soát tiêm vaccine.
Họp báo định kỳ chiều 22/8, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC) Nguyễn Hồng Tâm, cho biết hơn 23% số ca sởi tuần qua là trẻ dưới 9 tháng tuổi, hơn 57% trẻ từ 9 tháng đến 5 tuổi, còn lại trên 5 tuổi. Tính từ đầu năm đến nay, thành phố ghi nhận 353 ca sởi, trong khi từ năm 2021 đến 2023 chỉ có một ca xét nghiệm dương tính. Tất cả ca nghi mắc đang được lấy mẫu làm xét nghiệm chẩn đoán xác định.
“Bệnh đang có sự dịch chuyển từ trẻ thuộc độ tuổi tiêm chủng là 9 tháng đến dưới 5 tuổi sang trẻ chưa đủ tuổi tiêm chủng gồm dưới 9 tháng tuổi và trên 5 tuổi”, ông Tâm nói, thêm rằng một trong những nguyên nhân khiến bệnh sởi tăng cao là do gián đoạn vaccine tiêm chủng trước đó, khiến miễn dịch cộng đồng yếu đi.
Lãnh đạo HCDC dự báo sởi cũng như các bệnh truyền nhiễm sốt xuất huyết, tay chân miệng sẽ tăng thời gian tới, nhất là khi bước vào năm học mới. Ngành y tế tiếp tục kiểm soát dịch sởi trong cộng đồng bằng cách giám sát phát hiện và khoanh vùng sớm ổ bệnh. Các địa phương rà soát lập danh sách trẻ để mời tiêm chủng, đảm bảo tổ chức chiến dịch tiêm vaccine hiệu quả, nâng tỷ lệ bao phủ cho trẻ em từ 1 tuổi đến 5 tuổi đạt trên 95%.
Nhóm trẻ có nguy cơ cao mắc sởi nặng được rà soát, tiêm chủng ngay tại bệnh viện. Nhân viên y tế được tập huấn chỉ định dự phòng sau phơi nhiễm cho trẻ, tăng cường phân luồng, kiểm soát lây nhiễm trong bệnh viện, không để xảy ra tình trạng nhiễm chéo.
Chiều 22/8, Bộ Y tế yêu cầu khẩn cấp tiêm vaccine cho trẻ 1-10 tuổi nhằm tăng tỷ lệ miễn dịch, trong bối cảnh cả nước ghi nhận khoảng 2.000 ca sởi trong 8 tháng, 18 tỉnh thành nguy cơ dịch gia tăng. Các chiến dịch trước đây chỉ tiêm vaccine sởi cho trẻ 9 tháng và 18 tháng tuổi, tiêm bù tiêm vét cho những người trong 3 năm có dịch Covid-19 không được tiêm đầy đủ.
Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra. Bệnh lây từ người sang người qua đường hô hấp. Biểu hiện là sốt, viêm long đường hô hấp, đường tiêu hóa và kết mạc mắt kèm nổi ban đặc trưng. Sau khi mắc sởi, đáp ứng miễn dịch của cơ thể giảm sút nên trẻ dễ mắc các bệnh nhiễm trùng khác. Trẻ nhỏ chưa tiêm chủng, trẻ suy dinh dưỡng, phụ nữ có thai và người bị suy yếu miễn dịch là nhóm nguy cơ biến chứng nặng nếu mắc sởi.
Hiện, sởi vẫn chưa có thuốc đặc trị, chỉ điều trị triệu chứng.
Lê Phương
Tham khảo từ https://vnexpress.net/hon-100-ca-nghi-soi-mot-tuan-tp-hcm-du-bao-dich-tiep-tuc-tang-4784707.html
Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm: Thông tin được cung cấp chỉ mang tính chất thông tin chung, không đưa ra bất kỳ tuyên bố hoặc bảo đảm nào liên quan đến thông tin, bao gồm nhưng không giới hạn bất kỳ sự tuyên bố hoặc bảo đảm về tính thích hợp cho bất kỳ mục đích cụ thể nào của thông tin theo phạm vi cho phép tối đa của pháp luật. Mặc dù đã nỗ lực để đảm bảo rằng thông tin được cung cấp trong bài viết này là chính xác, đáng tin cậy và hoàn chỉnh vào thời điểm đăng tải, nhưng thông tin được cung cấp trong bài viết này không nên được dựa vào để đưa ra bất kỳ quyết định tài chính, đầu tư, bất động sản, giao dịch hoặc pháp lý nào. Thêm vào đó, thông tin không thể thay thế lời khuyên từ một chuyên gia được đào tạo, người mà có thể xem xét, đánh giá các sự kiện và hoàn cảnh cá nhân của bạn, và chúng tôi không chịu bất kỳ trách nhiệm nào nếu bạn sử dụng những thông tin này để đưa ra quyết định. Xin cảm ơn!