Long AnMỗi lần gặp người lạ, cần giới thiệu bản thân, ba anh em Đoàn Văn Buôl đều phải giải thích rất lâu về những cái tên có nguồn gốc từ tiếng Pháp của mình.
Anh Đoàn Văn Buôl, 31 tuổi, học viên cao học ngành Xây dựng Đảng và Chính quyền nhà nước của Trường sĩ quan chính trị, là em út trong gia đình có ba anh em. Anh trai cả tên là Đoàn Văn On, anh thứ hai tên Đoàn Văn Sol.
“Tên của chúng tôi được ông ngoại đặt theo phiên âm tiếng Pháp. Ngày xưa ông từng làm tình báo cho cách mạng, thường xuyên giao tiếp bằng tiếng Pháp và đã quyết định đặt tên các cháu theo ngôn ngữ này”, anh Buôl nói.
Khi người anh cả Đoàn Văn On chào đời, ông ngoại đặt tên cháu là “số một” theo số đếm của Pháp (un, deux, trois tức số một, hai, ba), chữ On phiên âm từ un. Anh thứ hai là Đoàn Văn Sol xuất phát từ chữ Soleil nghĩa là mặt trời. Còn bản thân anh Buôl ban đầu được đặt là Đoàn Văn Faul – tên một nhân vật người Pháp mà ông ngoại rất thích. Nhưng khi được cán bộ dân số ở xã yêu cầu điều chỉnh lại tên cho đúng với bảng chữ cái tiếng Việt, ông của anh đổi thành Buôl.
Người em út chia sẻ, tên của hai anh trai dễ phát âm, không ai đọc sai nên ít bị trêu đùa. Nhưng với tên Buôl thì hiếm người biết cách đọc, phát âm đúng, dễ gây sự chú ý, khiến bạn bè đôi khi chọc ghẹo còn người lạ thì tủm tỉm cười.
Ngay từ khi học lớp một, thầy cô thường viết sai hoặc đọc lệch tên Buôl thành Buôn, Bưởi, Buộc hay Buôi do trong từ điển tiếng Việt không có âm nào như vậy. Một số người còn nghĩ tên Buôl bị viết sai chính tả, tự ý đọc hoặc sửa lại theo cách hiểu của bản thân. Trong khi nếu phát âm đúng phải là Bul hoặc Bun.
Vì cái tên có phần khác biệt cậu học sinh Buôl thường được thầy cô chú ý, hay bị gọi lên phát biểu, trả bài cũ. Không buồn bực vì cái tên lạ gây nhiều phiền toái, trái lại anh rất vui vẻ, tích cực, chăm chỉ học tập và nhiều năm liền là học sinh giỏi.
Đến khi đi làm, anh liên tục bị hỏi về cách phát âm và ý nghĩa của tên. Mỗi lần như vậy, Buôl lại phải dành thời gian giải thích và hướng dẫn cách đọc đúng. Hầu hết mọi người sau khi hiểu đều bày tỏ sự thích thú với cái tên này.
Với những người lần đầu đọc hay gọi tên sai, Buôl sẽ vui vẻ sửa lại giúp. Riêng người cố tình đọc chệch, lệch đi để trêu chọc, anh coi như họ không gọi tên mình.
“Được ông ngoại tìm đặt cái tên có ý nghĩa nên chúng tôi rất biết ơn và trân quý tên mình”, Buôl nói. Anh cũng cho biết tên gọi của mỗi người vô cùng thiêng liêng bởi thời xưa dân ta bị đô hộ, không có tự do, bị gọi bằng những con số nên khao khát sở hữu tên được ông bà, cha mẹ đặt cho. Đến khi giành được độc lập, tự do, được có tên, có tuổi thì thế hệ trẻ càng nên tự hào.
Anh Đoàn Văn On, làm nông ở Long An, cũng rất thích cái tên được ông ngoại đặt. Người đàn ông 43 tuổi nói tuổi thơ may mắn được ông chăm sóc nên cái tên ông đặt cho càng thêm ý nghĩa. “Lúc nào chúng tôi cũng tự hào khoe với bạn bè và mọi người xung quanh về tên của mình”, anh On nói.
Hiện tại cả ba anh em On, Sol và Buôl đều lập gia đình nhưng không ai đặt tên con theo phiên âm tiếng Pháp giống mình. Anh Buôl giải thích, những cái tên lạ đều gắn liền với câu chuyện, mang ý nghĩa riêng, ngoài ra phải phù hợp với từng giai đoạn và bối cảnh cụ thể. Nhưng dù là cái tên nào cũng đều có giá trị đặc biệt, là tiếng gọi gần gũi, thân thương của mỗi người, là món quà vô giá mà ông bà, cha mẹ ban cho nên hãy biết tôn trọng tên của bản thân và người khác.
Ngoài anh Buôl, Sol hay On, nhiều người Việt cũng sở hữu những cái tên đặc biệt. Như anh Tô Yô Ta, 34 tuổi ở TP HCM được bố đặt tên giống cách gọi các hãng xe với mong muốn con có cuộc sống tươi sáng hơn. Cô gái Đinh Good Otani có cái tên được cha ghép từ tên của hai hãng lốp xe là Good Year của Mỹ và Otani của Thái Lan. Hay anh Nguyễn Nhớ Em, 30 tuổi, giám đốc một công ty kiến trúc ở TP HCM cũng gặp rắc rối khi được bố đặt tên nhằm ghi nhớ tình cảm thời quân ngũ. Người đàn ông này đặt tên cho các con lần lượt là Nguyễn Nhớ, Nguyễn Nhớ Anh và con út là Nguyễn Nhớ Em, ghép lại thành cụm từ Nhớ – Anh – Em.
Quỳnh Nguyễn