Trung QuốcKhi bắt đầu làm bartender 20 năm trước, Zhang Yuan thường thấy khách độ tuổi 30-40 uống rượu xã giao trong công việc, nhưng nay mọi chuyện đã thay đổi.
“Gen Z đã biến quán bar trở thành không gian học tập, vẽ tranh, chơi game, nhâm nhi ly cocktail thay vì say mèm”, người đàn ông 37 tuổi, nói. “Họ đang biến đổi bối cảnh và vai trò của việc uống rượu bia”.
Nhân viên bartender quán bar ở Bắc Kinh nói rượu bia chỉ là phần kèm theo cuộc vui của người trẻ, họ đang tạo ra văn hóa riêng.
Li Xiaoyi, 35 tuổi là chủ quán bar Fugger, cũng nhận thấy khách hàng trẻ tìm đến bar chỉ để thư giãn. Li có một khách hàng đã đến chỗ anh, vẽ 20 nhân vật hoạt hình lên khăn ăn và để lại trên bàn. “Anh ta chỉ đến tận hưởng thời gian rảnh”, Li nói.
Quán bar cũng đang trở thành địa điểm tổ chức các sự kiện cộng đồng như đêm chiếu phim, tập yoga và thậm chí là giảng dạy học thuật, các hoạt động từng được xem là hoàn toàn không liên quan đến rượu.
Zhang Jianing, 28 tuổi, là người tổ chức những sự kiện này ở Bắc Kinh. Anh nói các buổi giảng dạy, thảo luận những lĩnh vực như khoa học xã hội nhân văn, công nghệ, AI đang được tổ chức rộng rãi và thoải mái trong quán bar.
Anh đã tổ chức 10 buổi, mỗi buổi thu hút 70-100 người tham gia. Ý tưởng của Zhang Jianing đến vào những năm anh học thạc sĩ. Anh thường xuyên tham dự câu lạc bộ sách và các thành viên thường tiếp tục thảo luận chủ đề ở quán bar sau đó. Là người thích bia thủ công, Zhang Jianing quyết định kết hợp cả hai, thảo luận học thuật trong quán pub.
“Không khí quán bar và đồ uống có cồn tự nhiên mang lại cảm giác nhẹ nhàng, dễ chịu”, anh giải thích. “Nó làm thay đổi tâm trạng của người tham dự, tạo ra môi trường bình đẳng, họ cởi mở trao đổi ý tưởng”.
Qi Yuchen, 26 tuổi, đã tham dự sự kiện phân tích hình tượng con mèo trong tranh cổ Trung Quốc ở quán bar. Dù không phải là người uống rượu thường xuyên, anh vẫn nhận thấy sự tác động của chất có cồn đến cảm xúc trao đổi, thảo luận.
“Mọi người sẵn sàng trò chuyện hơn”, anh nói. “Kể cả khi bạn hỏi câu ngớ ngẩn, người khác cũng sẽ không cười nhạo mà công nhận đó là góc nhìn mới”. Sự kiện trên đã thay đổi quan điểm của Qi về rượu và quán bar. Trước đây, Qi thừa nhận anh bị ảnh hưởng tiêu cực bởi văn hóa uống rượu của thế hệ cha mẹ cùng những định kiến về quán bar.
Zhao Zifeng, 25 tuổi, là người thích uống rượu một mình trong bữa ăn. Điều này trái ngược với văn hóa rượu bia truyền thống, nhấn mạnh giao tiếp xã hội. Mùa hè, Zhao Zifeng thích uống rượu vang trắng, bia lạnh và dành rượu vang đỏ cho mùa đông. “Đồ uống phù hợp làm tăng trải nghiệm ẩm thực”, anh nói. Anh cũng thích lựa chọn thức uống cho người khác như một cách kết nối, kể cả khi nó là chất không cồn.
Zhang Jianing nói sự chuyển biến của văn hóa rượu bia là tín hiệu tích cực. Anh tin rằng rượu làm cho họ tự tin và cảm thấy mình là nhân vật chính trong câu chuyện của chính mình thay vì bị khách quan hóa.
“Uống có chừng mực, chút rượu có thể làm phong phú cuộc sống của chúng ta”, anh nói.
Ngọc Ngân (Theo China Daily)