Toàn cầu ghi nhận 1,6 triệu người chết do bệnh từ phế cầu khuẩn mỗi năm, nguy cơ tử vong ở người lớn mắc viêm phổi phế cầu lên đến 10-20%.
“Dù thế giới đã đạt được tiến bộ đáng kể trong giảm tỷ lệ tử vong do nhiễm trùng đường hô hấp dưới và phế cầu khuẩn, nhưng gánh nặng vẫn còn rất lớn”, bác sĩ Eva Polverino, Trưởng Đơn vị Nghiên cứu về nhiễm trùng hô hấp, Bệnh viện Vall d’Hebron (Tây Ban Nha), nói tại hội nghị khoa học, ngày 22/8.
Bà Eva Polverino dẫn thống kê từ Nghiên cứu Gánh nặng bệnh tật toàn cầu năm 2021, ghi nhận thế giới có khoảng 344 triệu ca nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới và 2,18 triệu ca tử vong. Trong đó, phế cầu khuẩn là nguyên nhân gây nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới và tử vong cao nhất, với khoảng 97,9 triệu ca nhiễm và 505.000 trường hợp tử vong. Riêng Việt Nam, tỷ lệ tử vong do viêm phổi là 18,2 trên 100.000 dân.
Phế cầu khuẩn (Streptococcus pneumoniae) là nguyên nhân thường gặp gây các bệnh viêm phổi cộng đồng, viêm màng não, nhiễm trùng huyết, viêm tủy xương, viêm khớp nhiễm trùng và nhiễm khuẩn huyết trên toàn thế giới. Người lớn tuổi, trẻ em và người suy giảm miễn dịch là nhóm dễ mắc các bệnh do phế cầu khuẩn gây ra.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính mỗi năm trên thế giới có 1,6 triệu người chết do bệnh phế cầu khuẩn, chủ yếu do viêm phổi, viêm màng não và nhiễm trùng huyết. Hơn 90% số ca tử vong này xảy ra ở các nước đang phát triển.
Ngay cả ở các quốc gia phát triển, bệnh phế cầu khuẩn xâm lấn cũng gây tỷ lệ tử vong cao – trung bình 10-20% ở người lớn bị viêm phổi do phế cầu khuẩn, con số cao hơn nhiều ở người có nhiều bệnh nền.
“Nguy cơ mắc bệnh phế cầu khuẩn xâm lấn ở người lớn tăng lên theo tuổi và khi hiện diện một số bệnh đồng mắc”, bà Eva Polverino nói. Bệnh lý nền có thể làm tăng nguy cơ mắc viêm phổi do phế cầu khuẩn và ngược lại viêm phổi do phế cầu khuẩn có thể làm nặng thêm các tình trạng bệnh nền vốn có.
PGS.TS.BS Đỗ Văn Dũng, nguyên trưởng Khoa Y tế Công cộng, Trường ĐH Y Dược TP HCM, cho biết các yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng mắc bệnh phế cầu ở người trưởng thành bao gồm tuổi tác, đặc biệt là người trên 65 tuổi, miễn dịch suy yếu như người mắc bệnh HIV, ung thư huyết học, suy thận mạn, hoặc đang sử dụng thuốc ức chế miễn dịch. Các bệnh mạn tính như bệnh tim mạch, phổi mạn tính, đái tháo đường, gan mạn tính cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
“Hành vi lối sống như hút thuốc lá, nghiện rượu làm tăng nguy cơ hơn, bởi hút thuốc lá làm suy yếu hệ miễn dịch và gia tăng nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp, còn nghiện rượu có thể làm suy giảm chức năng gan và hệ miễn dịch”, phó giáo sư Dũng nói.
Tình trạng kháng kháng sinh của phế cầu khuẩn cũng là một vấn đề toàn cầu, dẫn đến thất bại điều trị, tốn kém hơn. Gánh nặng tài chính do chi phí nhập viện và điều trị các bệnh do phế cầu khuẩn gây ra không hề nhỏ, đặc biệt là các nước phát triển. Tại Việt Nam, chi phí trung bình cho mỗi bệnh nhân viêm phổi cộng đồng dao động 15-23 triệu đồng, thời gian nằm viện trung bình 6-13 ngày.
Phó giáo sư Dũng khuyến cáo bên cạnh các biện pháp dự phòng như đeo khẩu trang, tránh tiếp xúc nơi đông người, hạn chế các đường lây truyền, nên dự phòng chủ động bằng vaccine.
Lê Phương
Tham khảo từ https://vnexpress.net/de-tu-vong-khi-mac-viem-phoi-do-phe-cau-4784795.html