SingaporeCùng nghỉ làm để đưa con trai 4 tuổi đến với “trường học thế giới”, từ đầu năm nay gia đình này đã đi qua 24 quốc gia.
“Bạn sẽ không thể đi du lịch sau khi sinh con.” Carol Tan, 36 tuổi và Rakcent Wong, 35 tuổi thường nhận được lời khuyên đó trước khi sinh con trai Atlas – nhưng họ quyết tâm chứng minh những người phản đối đã sai.
Gia đình này dạy con theo “chương trình thế giới” – có nghĩa là cha mẹ sẽ nghỉ làm và đưa con cái đi du lịch khắp nơi trên thế giới, giúp trẻ học hỏi thông qua những trải nghiệm phong phú.
Sau khi gặp nhau vào năm 2011, Tan và Wong cùng trúng tiếng sét ái tình và sớm tìm thấy niềm đam mê du lịch chung.
Wong nói phong cách du lịch của họ trước khi có con hơi đặc biệt. Từ việc đến Iceland trên một chiếc xe cắm trại và lái xe máy xuyên Đông Nam Á, đến ngủ trên sa mạc ở Ai Cập, khám phá safari ở Sri Lanka. Cặp đôi rất thích đi du lịch bụi. Họ nhận ra sau mỗi chuyến đi, cả hai đều trưởng thành hơn từ cấp độ cá nhân cũng như trong mối quan hệ yêu đương.
Khi có con, Tan và Wong quyết định đưa cậu bé đi cùng mỗi chuyến du lịch. “Việc này rất có lợi cho Atlas, đặc biệt trong những năm đầu đời trước khi con vào tiểu học”, Wong nói.
“Chúng tôi cảm thấy rằng, với tư cách là cha mẹ, nếu cho con mình vào trường mầm non từ sáng đến tối, chúng tôi sẽ bỏ lỡ phần tuyệt vời nhất trong hành trình của con mình, bởi vì lúc này là thời điểm con học được rất nhiều thứ đầu tiên trong cuộc đời mình. Là một người cha, tôi muốn có mặt ở đây, muốn nhìn thấy những lần đầu tiên của con”, Wong nói.
Cặp đôi cho rằng thời điểm tốt nhất để thực hiện chuyến đi là khi Atlas từ 4 đến 6 tuổi. Đây là thời điểm cậu bé dễ dàng tiếp thu mọi thứ trên thế giới nhưng lại còn quá nhỏ để bắt đầu đi học chính thức ở trường.
Trong suốt 5 năm tiết kiệm và đầu tư, Tan và Wong đã tích lũy đủ tiền để giúp họ đi vòng quanh thế giới.
“Mọi người luôn nghĩ rằng người Singapore giàu có và khá giả, nhưng thực tế không phải vậy”, Tan nói. “Thực ra, đó là khoản tiết kiệm rất khó khăn”, Wong nói. Cặp đôi thường tự hỏi bản thân có thể tiêu bao nhiêu tiền mà không bị đói trong một tháng.
Tháng 1/2024, Tan và Wong bắt đầu nghỉ việc để đưa con trai đi du lịch, điểm đến đầu tiên là Hy Lạp.
Gia đình đi đến một địa điểm mới mỗi tuần, giữa các chuyến đi họ dạy con trai ba nguyên tắc cốt lõi: Khơi dậy sự tò mò; Khuyến khích giải quyết vấn đề; Xã hội hóa thông qua sự trải nghiệm.
“Chúng tôi cảm thấy nền tảng của việc học nên được xây dựng dựa trên sự tò mò”, Wong nói. “Sau đó, phần thứ hai là nỗ lực tìm ra giải pháp”.
Người cha cũng cho hay, việc quan trọng không kém là điều thứ ba khi phải học cách hòa nhập với xã hội. “Ở một mình bạn biết được nhiều điều nhưng nếu đi cùng nhau bạn có thể làm được nhiều điều hơn thế”, Tan nói.
Phần lớn chương trình giảng dạy của Atlas tập trung vào việc vui chơi. Tan và Wong tạo ra nhiều cơ hội để con trai trải nghiệm nhiều môi trường khác nhau. Từ việc đi chơi với trẻ em ở Montenegro nói một ngôn ngữ khác cho đến học cách chia sẻ với những người bạn mới trên các sân chơi địa phương. Atlas gặp gỡ những đứa trẻ đến từ các nền văn hóa và hoàn cảnh khác nhau.
Sau khi bắt đầu hành trình đầu năm 2024, một trong những thay đổi quan trọng mà cặp đôi này nhận thấy ở Atlas là cậu bé trở nên cởi mở hơn với những trải nghiệm mới.
Atlas đã chuyển từ một đứa trẻ rất kén ăn sang ăn nhiều loại thức ăn. “Bây giờ bé sẵn sàng thưởng thức mọi món. Tôi nghĩ cậu bé thích đồ ăn hơn chúng tôi”, Wong nói.
Atlas cũng ngày càng tò mò hơn về thế giới và đang học cách đặt ra những câu hỏi ngày càng cụ thể hơn.
“Ban đầu, cậu bé chỉ hỏi: Cáp treo là gì?”, Tan kể. “Nhưng bây giờ, con sẽ hỏi những câu như: Cáp treo di chuyển như thế nào? Nó có tạo ra điện không?”
“Thằng bé có động lực học hỏi. Thông tin không được đưa sẵn cho thằng bé mà đúng hơn là thằng bé muốn tìm hiểu thêm”, Wong chia sẻ.
Hiện tại gia đình này muốn kéo dài thời gian nghỉ phép. “Thế giới rất rộng lớn và chúng tôi không có đủ thời gian nếu chỉ là một năm. Vậy tại sao không dùng hai năm để tiếp tục khám phá”, Tan nói.
Trang Vy (Theo CNBC)