TP HCMBà Hồng, 60 tuổi, từng có ý định tự tử vì nỗi ám ảnh bị cha dượng lạm dụng lúc nhỏ nhưng người mẹ cho rằng con nói dối.
Bà Hồng nói rằng thuở nhỏ mỗi lần mách mẹ “bị cha sờ mó” thường bị mẹ mắng mỏ, lâu dần trở nên căng thẳng sợ hãi. Đến tuổi trưởng thành, bà Hồng thuê nhà trọ sống riêng để tránh chạm mặt cha dượng. Song nỗi ám ảnh đeo bám dai dẳng khiến bà luôn sợ hãi, căm thù đàn ông, không thể hẹn hò hay kết hôn. Đầu năm nay, người cha bệnh, mẹ gọi con gái về phụ chăm sóc. Tuy nhiên, gặp lại cha dượng, bà Hồng trở nên buồn nôn, run rẩy hoảng loạn, vào Bệnh viện Đại học Y Dược 1 (TP HCM) khám. Bác sĩ Trần Minh Khuyên, Khoa Tâm thể, xác định bệnh nhân bị trầm cảm nặng với triệu chứng loạn thần.
Giảng viên tâm lý Nguyễn Thị Hương Lan, người sáng lập Học viện Hạnh phúc Việt Nam, Viện đào tạo BHIU trường Đại học quốc tế Bắc Hà, cũng nhiều lần chứng kiến những câu chuyện đau lòng về vấn nạn xâm hại trẻ em. Như một cô gái 22 tuổi chia sẻ thời gian học cấp hai từng bị cha dượng, 35 tuổi, xâm hại trong một năm. Tương tự trường hợp trên, mẹ của cô gái cũng không tin khi con kể về hành vi quấy rối của người cha. Sự thật chỉ bị phát hiện khi cô gái mang thai, phải phá thai. Từ đó, cô trở nên ít nói, sống thu mình dù trở lại trường học tập bình thường, có biểu hiện tự làm đau bản thân để giải tỏa. Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị trầm cảm.
Hiện Việt Nam chưa có thống kê về số trẻ em bị lạm dụng tình dục. Tại TP HCM, trong báo cáo năm 2023 của UBND thành phố về thực hiện Nghị quyết 121 của Quốc hội về chính sách, pháp luật phòng chống xâm hại trẻ em trên địa bàn, ghi nhận từ năm 2021 đến tháng 4/2023 có 326 trẻ bị xâm hại. Số vụ có giảm nhưng tính chất nghiêm trọng, diễn biến phức tạp; hình thức xâm hại gồm bạo hành, đánh đập và tình dục. Nạn nhân ở độ tuổi 10-16, phần lớn là bé gái. Người xâm hại trẻ em không chỉ là lao động phổ thông, trình độ thấp mà còn cả những người nghề nghiệp ổn định, trình độ cao, địa vị xã hội.
Các chuyên gia nhìn nhận trẻ từng bị lạm dụng tình dục dễ để lại nỗi ám ảnh, ảnh hưởng tiêu cực học tập, tác động xấu đến tâm lý, sự phát triển sau này. Thực tế, nhiều trường hợp khi trưởng thành sợ lập gia đình, dễ hoảng sợ, không dám đến gần người khác giới, lo lắng, bất an, căng thẳng lâu dài dẫn đến rối loạn lo âu, trầm cảm.
Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Diệu Anh, Viện Tâm lý Việt – Pháp, cho biết người bị lạm dụng tình dục, nhất là trẻ nhỏ, thường mang dấu hiệu sang chấn tâm lý như rối loạn giấc ngủ, ác mộng, bị thức giấc giữa đêm với tâm trạng hoảng sợ, la hét, khóc thét. Nhiều người tự hủy hoại bản thân, rối loạn ăn uống như nôn mửa, chán ăn hoặc ăn uống vô độ, không kiểm soát.
Nỗi ám ảnh thường được biểu hiện rất đa dạng, như không chịu cởi quần áo, không chịu đi vệ sinh ở trường, có xu hướng làm sạch thái quá trong cách lau chùi, sợ đàn ông, có khuynh hướng tự nhốt mình vào phòng, sợ bị đụng chạm vào người, tỏ ra hoài nghi với người khác. Trẻ cũng quan tâm thái quá với những gì liên quan tình dục, hình vẽ bất thường, tò mò tình dục một cách trầm trọng, thích vuốt ve thái quá vài vùng của cơ thể hoặc ngược lại, tránh né sự vuốt ve của những người lớn quen biết.
Theo bà Hương Lan, trẻ còn đối mặt nguy cơ tổn thương cơ quan sinh sản, nhẹ là trầy xước bên ngoài, nặng thì viêm nhiễm, mang thai ngoài ý muốn, ảnh hưởng đến chức năng sinh sản sau này. Khi lớn lên, các em thường bị lãnh cảm, đau khi giao hợp. Theo thời gian, những vấn đề về tâm lý gây rối loạn thể chất như đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, tiểu dầm, đau hoặc ngứa bộ phận sinh dục, hậu môn. Nhiều em học sinh mất động cơ học, có thái độ chống đối thầy cô, tự cô lập trong lớp. Một số rơi vào con đường tội phạm, lạm dụng chất gây nghiện, hành nghề mại dâm…
“Chấn thương vì bị lạm dụng tình dục được coi là chấn thương suốt đời và cần được chăm sóc tốt”, bác sĩ Khuyên nói, thêm rằng về mặt y tế nạn nhân cần khám phụ khoa và theo dõi những triệu chứng trên cơ thể nếu có. Về mặt tâm lý, xã hội, các em là người gặp nạn, tránh cho trẻ có mặc cảm tội lỗi hoặc có ác cảm với vấn đề tình dục. Thay vào đó, gia đình cần nâng đỡ, lắng nghe, chia sẻ và tạo một môi trường sống an toàn.
Bác sĩ khuyến cáo để trẻ biết cách tự bảo vệ bản thân, phụ huynh có cách giáo dục giới tính phù hợp tuổi của con. Ví dụ, bé 3-6 tuổi nên tập cho mặc đồ lót, tắm và thay đồ nơi kín đáo, không để trần truồng chạy khắp nơi. Chỉ cho trẻ những vùng không cho phép người khác sờ chạm và nên có sách báo minh họa để dễ nói chuyện. Dạy trẻ không ở một mình một phòng với người khác giới, dù là người quen, thận trọng khi tiếp xúc với người lạ.
Bố mẹ cũng nên chia sẻ, tâm sự thường xuyên để tạo cho con thói quen kể lại những chuyện mình gặp hàng ngày. Khuyến khích trẻ nói ra các bí mật, động viên “gia đình sẽ luôn ở bên để nâng đỡ”. Khi biết trẻ bị lạm dụng hoặc nghi ngờ, người nhà cần phối hợp chặt chẽ, không trốn tránh, dằn vặt hoặc đổ lỗi cho nhau. Đưa trẻ đi khám càng sớm càng tốt để điều trị về thể chất và nâng đỡ về tâm lý kịp thời.
Mỹ Ý – Thúy Quỳnh
Tham khảo từ https://vnexpress.net/am-anh-ca-doi-voi-noi-dau-bi-lam-dung-tinh-duc-4784748.html